Ho Do Trào Ngược Dạ Dày - Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa
Trào ngược dạ dày gây ho chiếm hơn 25% các trường hợp ho mạn tính nhưng lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên thường bị bỏ qua. Bệnh để lâu không điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, gây suy giảm chất lượng sống.
1 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay còn gọi là GERD (Gastroesophageal reflux disease) trong tiếng Anh, là một rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ cơ thắt thực quản dưới. Đây là một vòng cơ nằm ở ranh giới giữa thực quản và dạ dày.
Trong hệ thống hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa, cơ thắt thực quản dưới mở ra để thức ăn đi từ thực quản vào dạ dày, sau đó đóng lại để ngăn chặn thức ăn và axit dạ dày di chuyển ngược lên thực quản.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị yếu hoặc giãn không đúng lúc, khiến dịch dạ dày chảy ngược vào thực quản. Điều này gây ra các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa, khoang miệng, họng và đường hô hấp, chẳng hạn như cảm giác nóng rát ở ngực, ợ nóng, ợ chua. Các tình trạng thường xuất hiện sau khi ăn và nặng hơn vào ban đêm. Ngoài ra, các triệu chứng khác như đau ngực, khó nuốt, ho nhiều, viêm thanh quản, hen suyễn mới phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn và rối loạn giấc ngủ.
Tình trạng ợ nóng hoặc khó tiêu do axit dạ dày gây ra phổ biến ở nhiều người, bao gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ em. Đa số các trường hợp, trào ngược dạ dày thực quản có thể được cải thiện thông qua chế độ ăn uống và thay đổi lối sống. Dù vậy, một số người có thể cần sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc thậm chí phải phẫu thuật.
2 Nguyên nhân khiến trào ngược dạ dày gây ho
Ho mãn tính thường được định nghĩa là ho nhiều, kéo dài trong 8 tuần hoặc có thể lâu hơn. Trong các nguyên nhân gây ho mãn tính, bệnh nhân nên xem xét khả năng là do axit dạ dày trào vào thực quản trong bệnh cảnh của GERD.
Mặc dù ho mãn tính không phải là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày, nhưng lại chiếm ít nhất 25% các trường hợp. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ này có thể lên đến 40%. Có giả thiết cho rằng ho mãn tính không chỉ do trào ngược axit gây ra mà còn làm tình trạng trào ngược axit trở nên tồi tệ hơn.
Vấn đề này được giải thích bằng hai cơ chế, đầu tiên, ho được cho là một hành động phản xạ khi có sự gia tăng axit từ dạ dày đi vào thực quản nhằm bảo vệ đường thở. Cơ chế thứ hai cho rằng, dịch trào ngược di chuyển lên và ra khỏi thực quản, với những giọt nhỏ axit dạ dày rơi vào cổ họng, gây kích thích ho. Loại này được gọi là trào ngược thanh quản. Không những thế, khi axit dạ dày tiếp xúc với dây thanh âm và cổ họng, có thể gây viêm dẫn đến các triệu chứng như khàn tiếng, cảm giác có gì đó bị mắc kẹt trong cổ họng hay viêm họng, viêm amidan kéo dài.
Cần thừa nhận rằng, có sự liên hệ giữa ho mãn tính và trào ngược dạ dày thực quản. Ho kéo dài là một vấn đề phổ biến và một người có thể đồng thời mắc cả trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh lý khác như hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, hoặc các yếu tố như hút thuốc lá, sử dụng thuốc hạ áp thuộc nhóm ức chế men chuyển. Ngoài ra, bệnh nhân cần chữa ho trào ngược dạ dày đúng cách và kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
3 Triệu chứng ho do trào ngược dạ dày
Bên cạnh những cơn ho dai dẳng do trào ngược dạ dày, người bệnh còn có triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đắng miệng, nóng rát ở miệng, chua ở cuống họng, khàn tiếng, khó nuốt. Những triệu chứng này ban đầu có thể chỉ xuất hiện sau khi ăn no hoặc khi quá đói, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời có thể xuất hiện liên tục trong ngày và thường tăng lên về đêm hoặc khi ăn các thức ăn cay chua, nhiều dầu mỡ.
Một số triệu chứng kèm theo của chứng trào ngược dạ dày:
- Đau ngực hoặc ợ chua
- Khó nuốt
- Ợ nóng
- Buồn nôn và nôn
- Cảm giác như có khối nghẹn ở cổ họng
- Ho kéo dài
- Viêm thanh quản hoặc khàn giọng
- Hôi miệng
- Các vấn đề về giấc ngủ
4 Chẩn đoán ho mãn tính và trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
Để chẩn đoán mối liên quan giữa trào ngược dạ dày thực quản và ho mãn tính, các bác sĩ sẽ khai thác chi tiết tiền sử bệnh lý và đánh giá các triệu chứng của từng cá nhân. Việc chẩn đoán ho mãn tính có thể khó khăn hơn ở những người không kèm theo triệu chứng ợ nóng.
Bên cạnh đó, cách tốt nhất để chẩn đoán trào ngược dạ dày là theo dõi pH trong lòng thực quản liên tục trong 24 giờ. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách đặt đầu dò qua mũi vào thực quản. Người bệnh vẫn ăn uống và sinh hoạt như bình thường, kể cả đi lại, nằm ngồi. Khi có dòng trào ngược axit lên thực quản, cảm biến sẽ ghi nhận lại tần suất. Do là một thủ thuật phức tạp cần thực hiện tại bệnh viện, xét nghiệm này ít được sử dụng hơn so với các chẩn đoán lâm sàng, vốn chỉ cần dựa trên các triệu chứng và tiền sử bệnh của từng trường hợp.
Ngoài ra, việc chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản còn dựa trên kinh nghiệm khi cho bệnh nhân được điều trị thử nghiệm với thuốc ức chế bơm proton (PPIs), đây là một trong các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Nếu các triệu chứng ho được cải thiện đồng thời trong thời gian này, điều này có thể giúp nhận định là tình trạng ho nhiều này là có liên quan đến vấn đề trào ngược dạ dày.
5 Biến chứng trào ngược dạ dày gây ho
Trào ngược dạ dày gây ho lâu ngày không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm liên quan đến thực quản bao gồm:
- Ho mãn tính: Ho do trào ngược nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể tiến triển thành ho mãn tính, ho ra máu. Nếu ho trở thành mạn tính, việc điều trị dứt điểm sẽ rất khó khăn.
- Viêm, loét thực quản: Kích ứng và viêm do acid dạ dày trào lên diễn ra lâu ngày gây ăn mòn niêm mạc thực quản, viêm loét. Những triệu chứng đặc trưng như khó nuốt, đau ngực, ăn không ngon miệng, đau sau xương ức khi ăn uống…
- Hẹp thực quản: Biến chứng này xảy ra khi lớp niêm mạc thực quản tiếp xúc nhiều lần với acid dạ dày, gây trợt loét, đau rát cổ. Lâu ngày, các vết loét sẽ phát triển thành mô sẹo, làm hẹp thành thực quản, dẫn đến khó nuốt, cảm thấy vướng nghẹn ở cổ, đau tức ngực.
- Các vấn đề về hô hấp: Acid trào ngược lên đường hô hấp sẽ gây viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, gây khó thở, bệnh hen suyễn… Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như chảy nước mũi sau, ho, khò khè, khàn giọng…
- Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản): Đây là biến chứng nguy hiểm, thường gặp ở khoảng 10% người bị trào ngược dạ dày mạn tính. Acid trào ngược làm thay đổi các tế bào biểu mô thực quản, các tế bào này dày và đỏ lên, tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt khi ăn, đau ngực… Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ qua nội soi và sinh thiết.
- Ung thư thực quản: Đây là bệnh hiếm gặp và có liên quan đến bệnh thực quản Barrett. Biến chứng này thường gặp ở người trên 50 tuổi, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng có thể xuất hiện như nôn ra máu, tiêu phân đen, đau sau xương ức, khàn tiếng, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Một số sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
6 Điều trị ho do trào ngược dạ dày
Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp, bao gồm:
1. Thay đổi lối sống
Điều trị trào ngược dạ dày gây ho, trước tiên, người bệnh cần thay đổi lối sống, phòng ngừa từ các yếu tố nguy cơ gây trào ngược như:
- Chia nhỏ bữa ăn (4-5 bữa mỗi ngày), nên ăn chậm, nhai kỹ.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm và đồ uống kích thích acid như đồ ăn cay, cam quýt và cà phê; đồ ăn nhiều dầu mỡ; thức ăn nhanh; nước uống có ga.
- Không nên nằm trong khoảng hai giờ sau khi ăn.
- Nên gối cao đầu khi ngủ, có thể nằm nghiêng về phía bên trái.
- Duy trì vận động nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Từ bỏ hút thuốc lá.
- Tránh uống rượu.
- Không đeo thắt lưng hoặc quần áo quá chật và bó sát quanh eo.
- Cần cân đối thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ.
2. Điều trị bằng thuốc
Trường hợp ho nhiều, bên cạnh điều chỉnh lối sống, người bệnh sẽ kết hợp dùng thuốc như:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp giảm acid dạ dày được xem là thuốc lựa chọn hàng đầu trong điều trị và kiểm soát bệnh.
- Các loại thuốc trung hòa acid không kê đơn để giúp giảm triệu chứng như Mylanta (nhôm hydroxit, magie hydroxit, canxi cacbonat), Tums (canxi cacbonat)…
- Thuốc kháng Histamin cũng có tác dụng làm giảm acid dạ dày và cải thiện triệu chứng trào ngược acid. Tuy nhiên, thuốc này không có khả năng phục hồi những tổn thương ở thực quản.
3. Điều trị bằng phẫu thuật
Những trường hợp bị trào ngược dạ dày không đáp ứng với thuốc, gây nghiêm trọng gây ra các biến chứng nguy hiểm khó nuốt, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp phẫu thuật kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm về sau.
7 Cách phòng ngừa ho do trào ngược dạ dày
Để phòng ngừa chứng trào ngược gây ho, cần phòng ngừa các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Nên chia bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no
- Tránh ăn nhiều vào buổi tối
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm khiến triệu chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn, như chocolate, nước ép cam quýt, trái cây, bạc hà, cà chua, tỏi, hành, đồ ăn chiên nướng…
- Hạn chế uống rượu bia, cà phê, đồ uống có gas
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
- Duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học, cân nặng ổn định, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống các loại thuốc giảm đau, kháng viêm.
- Kiểm soát căng thẳng bằng bằng cách cân đối công việc, nghỉ ngơi, nên tham gia các câu lạc bộ, đi du lịch, đọc sách…
8 Thắc mắc hay gặp về ho do trào ngược dạ dày
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp và giải đáp về tình trạng ho do trào ngược dạ dày:
1. Ho do trào ngược dạ dày nên uống gì?
Ngoài ho, trào ngược dạ dày thực quản còn gây ra triệu chứng ợ hơi, buồn nôn, đau họng, thậm chí hơi thở có mùi… Uống gì để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày là vấn đề quan tâm của nhiều người. Một số thức uống giúp làm giảm dịu dạ dày, cải thiện hệ tiêu hóa, hạn chế tình trạng trào ngược nặng thêm:
- Một số loại trà: trà gừng, trà thảo mộc (trà cam thảo, trà hoa cúc), tuy nhiên không nên pha trà quá đặc
- Sữa tách béo, sữa hạt
- Nước lọc
Bên cạnh đó, người bị trào ngược dạ dày cần hạn chế rượu bia, cà phê, nước uống có ga, thức uống có chocolate, nước ép trái cây họ cam quýt.
2. Ho do trào ngược dạ dày nên ăn gì?
Người bị trào ngược dạ dày gây ho cần lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm cũng như cách chế biến, vì một số thức ăn có thể làm giảm trương lực của cơ thắt thực quản dưới. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ (thức ăn chiên xào) vì sử dụng nhiều chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa, tăng nguy cơ trào ngược. Nên ưu tiên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và khoáng chất như rau xanh củ quả tươi luộc, hấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý với một số loại trái cây có hàm lượng acid cao có thể làm nặng hơn quá trình trào ngược như cam, chanh, bưởi, cóc, me, cà chua… Nên dùng trái cây cách xa bữa ăn. Dùng ngay sau bữa ăn có thể xảy ra hiện tượng lên men ở ruột, làm gia tăng trào ngược acid lên thực quản.
Một số thức ăn người ho do trào ngược dạ dày nên dùng:
- Bánh mì, bột yến mạch
- Rau xanh
- Các loại đậu
- Các loại đạm dễ tiêu: đậu hủ, lòng trắng trứng
- Nghệ mật ong
3. Trào ngược dạ dày gây ho có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày gây ho không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, tuy nhiên những cơn ho dai dẳng nếu không điều trị có thể diễn tiến mạn tính và ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống. Ngoài ra, nếu không điều trị hiệu quả, trào ngược dạ dày gây ho có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản và thậm chí là ung thư thực quản.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh bị chứng trào ngược dạ dày cần thăm khám nếu có gặp biểu hiện sau:
- Cơn ho kéo dài hơn hai tuần
- Bị ợ nóng hai lần trở lên một tuần
- Đã uống thuốc nhưng các triệu chứng không cải thiện
- Ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ
- Sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc giảm cảm giác thèm ăn
- Gặp khó khăn khi nuốt hoặc cảm thấy đau khi nuốt
- Chứng ợ nóng đi kèm với buồn nôn hoặc nôn
- Thở khò khè hoặc khàn giọng mà không thuyên giảm
- Các triệu chứng trào ngược cản trở hoạt động hàng ngày
Nếu gặp tình trạng ho kéo dài rất có thể nghĩ đến nguyên nhân trào ngược dạ dày. Lúc này, người bệnh cần theo dõi triệu chứng, thăm khám và điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống khoa học, cân đối dinh dưỡng… để phòng ngừa và cải thiện bệnh. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết này sẽ giúp mọi người cách nhìn toàn diện về bệnh lý chứng trào ngược dạ dày gây ho để có cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Nguồn tham khảo:
- Gillson, S. (2023, August 8). Can acid reflux cause coughing? Verywell Health. https://www.verywellhealth.com/what-can-cause-a-persistent-cough-1742993
- Throat, R. C. E. N. A., & Throat, R. C. E. N. A. (2023, April 18). How to stop a GERD cough. Raleigh Capitol Ear Nose & Throat. https://www.raleighcapitolent.com/blog/stop-gerd-cough
- Gillian, G. (2024, February 6). Is GERD causing your cough? Virginia Heartburn and Hernia Institute. https://virginiahernia.com/gerd-causing-cough